Gặp “trùm” Moped đất Hà thành

Gặp “trùm” Moped đất Hà thành


Gặp “trùm” Moped đất Hà thành


Phương Ngọc, 18/3/2009, 9:28(GMT+7)

(AutoPro) - 20 năm làm nghề, nay chỉ nghe máy có thể phán bệnh, ông Mẽ là "bác sĩ" mà cánh chơi xe Moped Hà thành lui tới.

Hơn thế, với từng ấy năm gắn bó với dòng xe Moped - thứ xe đạp máy một thời xênh xang quý phái, ấy rồi lại có lúc tần tảo chạy chợ - hàng trăm chiếc xe đã qua tay ông, hàng chục chiếc khác đang nằm trong kho chờ ngày “tái xuất”, nắm trong tay cả một “núi” phụ tùng … Không “oan” khi người ta gọi ông là “trùm” Moped
20 năm “sống cùng” Moped
Theo đánh giá của giới chơi xe, chỗ ông Mẽ là hàng Moped “to nhất nhì Hà Nội”. Ít ai nghĩ “cửa hàng” ấy đơn giản chỉ là một đoạn vỉa hè trên đường Lê Đại Hành (đoạn giáp với Vân Hồ). Nằm ở một nơi yên ắng và không biển hiệu, người ta nhận ra hàng ông chỉ vì ở đó có một dãy Mobylette, Peugeot, Solex… xếp hàng. Vậy mà hiếm có lúc nào hàng xe vỉa hè này ngớt khách. Vừa làm việc, ông vừa kể về cái nghiệp Moped của mình.

Năm 1976, lần đầu tiên ông có trong tay một chiếc Mobylette “cá xanh”. Ông mua nó vì ông mê xe Pháp. Sau một thời gian “nghiên cứu” xe mình và tìm hiểu thêm xe khác, ông đã am hiểu tường tận từng chi tiết và tự giải quyết được các “bệnh” xe. Đến năm 1982, ông mở hàng sửa chữa Moped. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng của ông ngày càng đông đúc. Ông kiêm luôn cả nghề mua bán xe để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Dòng xe Moped đã trải qua những lúc thăng trầm nhưng ông Mẽ chưa bao giờ hết việc. Nửa đầu những năm 80, ông làm Mobylette cho dân chạy chợ: “Ngày ấy, làm cả ngày mà không hết việc. Không chỉ dân Hà Nội mà cả Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây đều muốn tìm Mobylette để chạy hàng. Khi đó, những chiếc Mobylette được coi là khỏe và cơ động”. Ông vẫn nhớ cái ngày Mobylette chở hàng đầy đường. Ông bận rộn và phải ra cả tỉnh khác để “lấy hàng”.

Đến đầu những năm 90, Moped vãn hẳn và bắt đầu bị xếp vào hàng xe cổ. Hàng loạt Mobylette, Peugeot trở thành sắt vụn. Ông thu mua và xếp vào kho để tận dụng phụ tùng còn dùng được thay cho khách. Người dùng Moped ít đi nhưng khách vẫn đông so với cái quán vỉa hè khiêm tốn. “Năm 1998, tuyển Pháp vô địch bóng đá WorldCup. Riêng cái sự ấy đã 'vực dậy' dòng Moped Pháp khiến Mobylette, Pegeot 'cháy hàng'". Ông vui vẻ kể về “cơn sốt” ngày nào.

Bây giờ, khách hàng của ông chủ yếu là những người đam mê xe cổ. Già trẻ, gái trai đều có cả. Họ sở hữu Moped như một “cái thú” của riêng mình. Và cái tên ông Mẽ - Vân Hồ, được người chơi Moped nhắc đến như một niềm tin cẩn: “Cần gì về Moped, cứ đến Vân Hồ tìm ông Mẽ là ra.”

“Đại gia sắt vụn”.

Hơn 20 năm trong nghề, ông không nhớ nổi có bao nhiêu chiếc Moped đã qua tay, chỉ ước tính là “hàng trăm chiếc”. Xe của ông không chỉ được người Hà Nội tìm mua mà còn ra các tỉnh và vào tận Sài Gòn. Ông mê Moped nhưng không giữ nó cho mình, phần vì “chấp nhận nghề buôn bán” phần vì “nhà chật không có chỗ để xe”. Đôi khi, bán đi một chiếc xe mình thích, được giá nhưng vẫn thấy tiếc vô cùng. Nhưng cũng có lúc thấy vui khi gặp lại chiếc xe mình bán sau nhiều năm “xa cách”. Với ông, niềm đam mê và kế sinh nhai - tuy hai mà một.

Hiện tại, “gia tài” của ông là hơn 20 chiếc Moped đủ dòng: Mobylette, Peugeot, Solex… và một căn nhà đầy ắp phụ tùng ông đã tích cóp bao năm. Nếu mang chỗ phụ tùng ấy ra lắp ghép, ông sẽ có thêm cả trăm chiếc Moped. Tôi gọi ông là “đại gia Moped”, ông cười: “Chỉ là đại gia sắt vụn thôi”.

Giá một chiếc Moped phụ thuộc vào độ nguyên bản, chất lượng xe và độ hiếm của từng dòng. Ở chỗ ông, Moped có giá từ 2 triệu đến trên 30 triệu. Khách có thể mua sẵn hoặc đặt hàng. Ông sẽ dựng xe theo yêu cầu, tìm mua hàng cổ chính hiệu hoặc tự gia công phần không có đồ thay thế.

Hơn 20 năm sống cùng Moped, chỉ nghe tiếng máy nổ hay đạp xe vài vòng là ông “bắt bệnh” được ngay. Ở tuổi 61, một mình làm không hết việc, ông truyền nghề cho ba người cháu họ. Bốn người thợ dường như chẳng được ngơi tay vì khách vào liên tục. Nhìn hàng của ông mới biết Moped còn “sống khỏe”.

Mặc dù có dư khả năng để mở một cửa hàng xe cổ khang trang, bề thế nhưng ông vẫn “trung thành” với đoạn vỉa hè. “Hơn 20 năm qua, mình quen chỗ, khách cũng quen chỗ nên không muốn chuyển” – Lý do của ông thật giản đơn.

Có nhiều người tìm đến hàng xe ông Mẽ đôi khi chỉ để …ngắm xe, uống trà và chuyện về xe cổ. Và chắc chẳn khi ra về họ sẽ mê xe cổ nhiều hơn.

Tags: ,

About author

Curabitur at est vel odio aliquam fermentum in vel tortor. Aliquam eget laoreet metus. Quisque auctor dolor fermentum nisi imperdiet vel placerat purus convallis.

0 nhận xét

Leave a Reply