Như vậy sau 3 tháng cố gắng lobby, General Motors đã đạt được thỏa thuận với chính phủ và được "cứu sống" vào đúng lúc nguy kịch nhất. Trước khi được Nhà Trắng phê duyệt khoản vay 13,4 tỷ USD ngày 21/12, General Motors tuyên bố hết tiền mặt trong tháng 1/2009 vì phải chi trả hoạt động của bộ máy hành chính và thanh toán tiền hàng cho các nhà cung cấp.
Người phát ngôn Bộ tài chính Mỹ, Brookly McLaughlin cho biết Chrysler phải đợi vì hai bên chưa được được những thỏa thuận cuối cùng.
Những chiếc xe GMC của General Motors chưa bán tại một đại lý Berlin, Đức. Ảnh: AP. |
GM không nhận tiền "chùa" mà kèm theo đó là cả kế hoạch hành động, như trình với quốc hội trước đó. Hãng này phải cam kết sử dụng tiền vay một cách hiệu quả và an toàn. Ngày 31/12/2008, GM khẳng định ban lãnh đạo đã đạt sự đồng thuận về kế hoạch cải tổ.
Dự kiến, đến 16/1, GM sẽ nhận thêm 5,4 tỷ USD nữa. Ford Motor, một trong 3 ông lớn Mỹ do còn nhiều tiền mặt nên không cần tiền vay từ chính phủ, ngoại trừ trường hợp doanh số xe xuống quá thấp so với dự báo.
Trước đó, theo kế hoạch của chính phủ Mỹ, GM và Chrysler sẽ nhận mỗi hãng 4 tỷ USD vào ngày 29/12. Đến ngày 16/1, thêm 5,4 tỷ USD nữa được chi ra. Khoản tiền 4 tỷ USD còn lại sẽ được Quốc hội và tổng thống mới đắc cử Obama quyết định có cho vay hay không trong tháng 2/2009. Nếu được thông qua, số trên sẽ được chuyển cho GM vào 17/2.
Cố gắng hỗ trợ nhưng chính phủ Mỹ vẫn thể hiện sự nghiêm khắc. Tổng thống Bush để ngỏ khả năng đề nghị các hãng xe nộp đơn phá sản nếu đến 31/3 tình hình kinh doanh không hồi phục.
Nhà Trắng còn kêu gọi các bên liên quan, gồm công nhân, giới lãnh đạo, chủ nợ, nhà cung cấp và đại lý hợp tác để bảo vệ ngành công nghiệp trong tương lai.
Nguyễn Nghĩa (theo CNN)
0 nhận xét